Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 Võ_Giàng

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, các xã được giữ nguyên và trực thuộc huyện Võ Giàng.

Năm 1946, hai xã Vân Khám và Hiên Ngang thuộc huyện Võ Giàng sáp nhập vào huyện Tiên Du[5].

Năm 1948, thị xã Bắc Ninh bị giải tán, địa hạt thị xã Bắc Ninh và các xã thuộc huyện Võ Giàng ở bên trái đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn được sáp nhập vào huyện Yên Phong về phương diện hành chính và kháng chiến; địa hạt thị xã Bắc Ninh ở bên phải đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn sáp nhập vào huyện Võ Giàng về phương diện hành chính và kháng chiến[6].

Cũng trong năm 1948, một số xã nhỏ được hợp nhất lại thành xã lớn: Kim Quỳnh Ngọc, Cộng Hòa, Quế Lạc, Bất Phí, Đông Viên, Đô Thống, Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh.

Năm 1949, tiếp tục hợp nhất một số xã[7]:

  • 3 xã Hòa Đình, Xuân Ổ, Bồ Sơn hợp nhất lại lấy tên là xã Võ Cường;
  • xã Kim Quỳnh Ngọc hợp nhất với xã Phương Châm lấy tên là xã Kim Chân;
  • 3 xã Giang Liễu, Hà Liễu, Ro Thượng hợp nhất lấy tên là xã Quốc Thắng;
  • 3 xã Ngọc Liên, Xuân Lôi, Xuân Hòa hợp nhất lấy tên là xã Đại Xuân;
  • xã Cộng Hòa hợp nhất với xã Quế Lạc lấy tên là xã Công Lạc;
  • xã Bất Phí đổi tên là xã Nhân Hòa;
  • xã Đông Viên hợp nhất với xã Đô Thống lấy tên là xã Việt Thống.

Tám xã còn lại được giữ nguyên, gồm các xã: Khắc Niệm, Vân Dương, Nam Sơn, Tân Dân, Hán Quảng, Bằng An, Đại Phúc, Vũ Ninh.

Năm 1957, những thôn sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến được trả về các huyện cũ[8], gồm các thôn: Bồ Sơn, Hoà Đình, Khả Lễ thuộc xã Võ Cường; thôn Phúc Đức thuộc xã Đại Phúc. Riêng thôn Phương Vĩ thuộc xã Kim Chân huyện Võ Giàng vẫn để ở thị xã Bắc Ninh.

Cũng trong năm 1957, thôn Xuân Ổ trước đây được nhập vào xã Vân Tương huyện Tiên Du nay được trả về xã Võ Cường huyện Võ Giàng.[9]

Cuối năm 1961, huyện Võ Giàng có 13 xã: Bằng An, Đại Phúc, Đại Xuân, Hán Quảng, Kim Chân, Nam Sơn, Nhân Hòa, Phương Liễu, Quế Tân, Vân Dương, Việt Thống, Võ Cường, Yên Giả.